MẤY BÀI THƠ ĐỌC Ở NHÀ ANH DOÃN QUỐC SỸ
HOA DẠI
(Tâm sự một nhà thơ)
Tôi là loài hoa dại
mọc bên đường
tỏa sắc hương
dịu lòng những ông bố trên đường đến xưởng
những bà mẹ đi thăm ruộng
trở về
Tôi thêm nét vui tươi cho cô gái quê
xách làn đi chợ
các cô cậu học trò
mặt mày hớn hở
cười với tôi mỗi buổi đến
trường
Tôi đứng đây
mở lòng đón gió bốn phương
để thêm sắc thêm hương
cho người đời thêm đẹp dạ
Bạn đừng tưởng đời tôi êm ả
như mặt nước hồ
tôi đã bao phen nghiêng ngả
trước những trận gió to
Có lúc thân tôi xác xơ
tả tơi từng cánh
lá rụng phấn bay lịm dần trong đêm lạnh
nhưng nghĩ đến ngày mai tôi gượng dậy mỉm cười
Tuy nhiên
nếu lúc này bạn ngỏ ý mời
tôi
đến một ngôi nhà sang trọng
dành cho tôi chỗ ngồi ấm cúng
có kẻ chăm lo trẩy lá tỉa
cành
tôi vẫn lắc đầu nhìn dưới chân mình
mảnh đất nhỏ tôi vô cùng yêu mến
Tôi sống
không phải để riêng ai âu
yếm
sắc hương này
tôi muốn sẻ chia
cho tất cả mọi người từ em bé ngây thơ
đến các cụ già trăm tuổi
Và nếu nơi đây
nước dâng bão nổi
tấm thân này tan nát cuốn muôn nơi
tôi vẫn vui bởi phấn nhụy của tôi
sẽ mọc lên trăm ngàn cây hoa mới
Bệnh Xá B 1983
HẸN MỘT NGÀY MAI
Ai chẳng muốn có một mái nhà êm ấm
khi đã bước qua tuổi ba mươi
một cô vợ hiền lành duyên dáng
một hai đứa con kháu khỉnh tươi cười
Bắt tay vào xây dựng tương lai
trong muôn ngàn việc chung
của quê hương dân tộc
ai chẳng có một đôi khoảnh khắc
nghĩ về những riêng tư
Tôi còn bà mẹ già
như ngọn đèn sắp tắt
mong đứa con trai từng giờ, từng phút
sớm trở về nhà lấy vợ, đẻ con
Mang trong lòng một hoài bão sắt son
“Bồi đắp vun trồng những mầm non nước Việt”
tôi cũng muốn mai đây
trong cánh rừng tươi đẹp
có một, đôi cây mang vóc dáng của mình
ngạo nghễ giữa trời xanh
Nhưng hôm nay
nghĩ đến chuyện gia đình
tôi như chạm phải vết thương nhức nhối
đất nước vẫn chìm trong đêm tối
lũ quỷ đỏ dã man
vẫn đày đọa muôn dân
đường đấu tranh sẽ còn lắm gian nan
mà sự nghiệp chỉ đôi bàn tay trắng
Tôi biết mình chưa thể chu toàn bổn phận
làm chồng
làm cha
khi chí vẫn tang bồng
vẫn chưa chồn chân lội suối băng rừng
vẫn đôi tay muốn ghì chặt súng
trên đầu tóc vẫn đang dựng đứng
mắt vẫn in rõ mặt quân thù
Và trái tim
vẫn hằng đêm
nhói đau trong ngực
khi xa xa vọng về tiếng khóc
của những bà mẹ già, những đứa trẻ thơ
Nên dù có lời hứa đợi chờ
của cô láng giềng tôi yêu tha thiết
dù mẹ tôi khao khát
mong cô con dâu
mong đứa cháu gọi bà
tôi vẫn lắc đầu và mỉm cười vu vơ
khi có người hỏi
“Sao chưa lấy vợ?”
Tôi mơ đến một khoảng trời rộng mở
có những đoàn quân
tiến về Sài Gòn
đòi lại quê hương đã mất
và hòa trong ào ào tiếng thét
“Tiến lên! Hãy tiến lên!”
có bóng tôi lao vút như tên
Viết khi mới bước qua tuổi 30
Phạm Đức Nhì
TẬP VẼ
Bài này tôi viết lúc đang nằm ở bệnh xá phân trại B. Tôi được chuyển vào đây sau khi bị đạp giập xương sống trong xà lim lần thứ hai.
Một em tù hình sự có học lại có hoa tay, vẽ đẹp nên được ưu tiên cho về đội nhà bếp để thỉnh thoảng vẽ cờ, hoa, khẩu hiệu trang trí cho phân trại. Em mến tôi và lúc bớt việc lại đến bệnh xá đề nghị tôi hát mấy bản nhạc vàng mà em ưa thích.
Một hôm em tâm sự là rất buồn, rất chán khi bị
bắt buộc phải vẽ những hình, khẩu hiệu mà em “không có cảm tình”.
Bài thơ TẬP VẼ ra đời trong khung cảnh ấy.
Thuở bé
thầy giáo thường khen em
có hoa tay, vẽ nhanh, vẽ đẹp
chỉ vài nét
là có hình người
muông thú, cỏ hoa
Thế mà mấy năm qua
em luôn bị điểm 2 môn vẽ
chăm chỉ, miệt mài
tính em vẫn thế
chứ có đâu biếng nhác, ươn hèn
Nhớ hôm vẽ cờ búa liềm
em đã ngắm kỹ
từng đường cong nét thẳng
em cũng ướm thử
từng đoạn dài đoạn ngắn
nhưng đến hết giờ
em vẽ cũng vẫn … sai
Đưa lưng cho thầy quất mấy roi
em ngỡ
liềm cứa thịt da em rách
thước kẻ thầy đánh vào tay
em tưởng
búa đập xương em dập nát
Một hôm khác
lớp em vẽ hình Lê- Nin
em hết nhìn thẳng lại nhìn nghiêng
để ý từ chòm râu, sóng mũi
Nhưng lạ chưa!
Lê – Nin của em vào cuối buổi
trông cứ như đang múa vuốt, nhe nanh
xem bài em
thầy giáo giật mình
đánh em ngã lăn giữa lớp
Hôm vẽ Bác Hồ
lòng em hồi hộp
thầy đứng bên em
chẳng phút nào rời
thầy nhắc em
Bác nhân đức yêu người
thầy sánh Bác
với vua Hùng dựng nước
Em cố vẽ theo lời thầy
nhưng không sao vẽ được
tay chén chè tàu
tay ly rượu Vốt- Ka
Bác Hồ của em
trông gian ác, ranh ma
em lại bị thêm trận đòn
tím bầm thân thể
Bản đồ nước Việt Nam
một hôm em đang vẽ
này biển, này sông,
này rừng núi, ruộng vườn
này những thành phố quê hương
em đặt hết tâm hồn
vào trang giấy nhỏ
Thầy đứng sau lưng
cầm cây cọ đỏ
bôi kín tấm bản đồ tổ quốc em yêu
đỏ biển, đỏ sông
đỏ những đê điều
đỏ phố, đỏ phường
đỏ hết cả núi rừng, nương rẫy
Em bỏ ngôi trường làng
ra đi từ dạo ấy
lang thang như một khách giang hồ
Ôi! Nhớ làm sao
những lần tập vẽ ngày xưa
Ồ! Giá trường em
giờ có thầy giáo mới
Em sẽ chạy về ngay
không để lỡ một ngày,
một buổi
ngồi vào hàng ghế ngày xưa
thầy đang dậy những câu hát mẹ ru
còn em háo hức
chờ đến giờ tập vẽ.
Lúc viết bài thơ này, dù
còn đang bại liệt trong trại cải tạo, tôi đã mơ đến chuyện ra đi chứ không như
ngày 29 tháng tư năm 1975:
Khi đoàn tàu chở đơn vị
tôi
chuẩn bị rời Vũng Tàu hướng
ra Đông Hải
thương cha mẹ già, đàn em
dại
tôi bước lên bờ
ở lại quê hương.
(Bờ Vẫn Quá Xa, Phạm Đức
Nhì)
Bởi thông tin truyền vào qua thăm nuôi cho biết “sĩ quan cải tạo” trở về nếu không nhanh chóng tìm đường ra đi thì ở lại cũng bị tước đoạt hết mọi cơ hội kiếm sống, sẽ chỉ là gánh nặng cho gia đình mà thôi.
Đây là bài thơ tôi viết sau môt chuyến vượt biên hụt. Thuyền vừa rời điểm tập trung được một đoạn thì bị lộ, phải quay vào. Tôi và thằng em trai út may mắn chạy thoát. Phần chính của bài thơ được viết lúc nằm chờ đợi trên thuyền. Phần còn lại được hoàn tất sau đó khoảng 2 tuần.
Bước chân xuống thuyền
coi như ngồi vào chiếu bạc
một còn một mất
tôi đặt cả cuộc đời mình
Có thể lát nữa đây tôi sẽ lênh đênh
trên biển cả
hướng về một bến bờ xa lạ
tìm lại cuộc đời
Cũng có thể chỉ lát nữa đây thôi
tôi sẽ thấy mình nằm trong ngục tối
chân bị cùm, tay bị trói
bắt đầu chuỗi ngày tra tấn tù đày
Nhưng tôi tin con người có rủi, có may
tôi cũng tin người ngay
trời không nỡ phụ
nên nhìn lại lần cuối
những đường xưa, phố cũ
tôi bước đi
lòng xao xuyến, bồi hồi
Ôi! Tổ quốc bất hạnh của tôi
giải đất hình chữ S
mà trên ấy tôi yêu tha thiết
từng nắm đất, ngọn cỏ, con người
đến những dòng sông lững lờ trôi
bảo sao lúc thuyền ra khơi
tôi chẳng rơi nước mắt
Giá ngay ở đây
tôi được cầm súng
một còn, một mất
với quân thù
thì dù ở bên kia trái đất
phú quý vinh hoa
tôi vẫn chối từ
Ngày mai trên đất nước tự do
nếu có ai hỏi
“Cần giúp đỡ gì?“ tôi sẽ nói:
“Hãy cho tôi một chỗ đứng trong đoàn quân
tiến về Sài Gòn”
Bút của tôi chưa mòn
tôi cũng một thời cầm súng
thì tôi sẽ xông vào chiến trận
với cả hai thứ vũ khí trên tay
Trước mắt tôi
giữa trời Sài Gòn phất phới bay
cờ vàng ba sọc đỏ
có bao người thân mặt mày rạng rỡ
đứng đón tôi về
Và tôi lại buông súng
viết tiếp những vần thơ
ngợi ca cuộc sống.
Bài thơ hoàn tất lúc tôi mới hơn 31 tuổi, đầy nhiệt huyết, lý tưởng và yêu đời nên đoạn kết rất lãng mạn, tứ thơ bồng bềnh như đang theo gió, theo mây. Bây giờ, 40 năm sau, đọc lại thấy có vẻ quá mơ mộng, không thực tế, nhưng ở thời điểm ấy tâm hồn tôi là như thế.
Sau khi bị đánh đập dập xương sống, bị cùm kẹp đến liệt hai chân và rối loạn cơ tròn, không kiểm soát được đường tiểu tiện và đại tiện, tôi nằm chờ chết trong xà lim. Nhờ sự can thiệp tận tình của hai bác sĩ tù Trần Quý Nhiếp và Trần Văn Lịch, cộng thêm đề nghị của một phái đoàn Thanh Tra Y Tế từ trung ương, tôi được chuyển vào một bệnh xá nhỏ ở Phân Trại B, nơi giam giữ tù hình sự. Tôi đã sống chung với đủ mọi loại tội phạm: giết người, trộm cướp, hiếp dâm, lừa đảo, xì ke ma tuý …v. v. (1)
Tôi đến đây
trong một lần đi trốn
khi đang trong cuộc một trò chơi lớn
trò chơi đấu tranh
Nhìn quanh
tôi thấy toàn thú dữ
mắt tròn xoe đổ lửa
uống máu ăn thịt lẫn nhau
trong khi bên ngoài những lớp rào
và những hào sâu
bầy quỷ sứ đứng canh
ngả nghiêng cười khoái trá
Ở đây
một nắm rau dại
một con sâu, con dế
lắm khi tàn tạ thân xác một con người
một mẩu tàn thuốc rơi
có thể làm máu đổ (2)
Tử thần đang mừng rỡ
bước từng bước đến gần
những con người khốn khổ
họ không có gì chống đỡ
nên chỉ biết bán rẻ nhân cách của mình
biến thành những con vật đê hèn
ngụp lặn trong vũng bùn tội lỗi
May mắn thay
tôi đã gặp ở đây
ân tình đong thật đầy
của những người bạn mới
(giữa rừng cỏ dại quanh bờ suối
lác đác một hai khóm trúc đào)
tôi quên sao được hương vị ngọt ngào
của cành hoa các anh trao giữa muôn nghìn cay đắng
đàng sau những vệt máu
những giọt mồ hôi
những tia nhìn thù hận
là màu xanh ước mơ
những nét nhạc, những vần thơ
khung trời quê hương, biển tình yêu và cuồn cuộn dâng nhựa sống
tâm hồn tôi như bay cao giữa trời gió lộng
dù xác thân vẫn trĩu nặng gông xiềng
Tôi đã gặp những đứa em
còn chút dáng người giữa bầy dã thú
đói thắt ruột
và roi quất trên đầu, trên cổ
vẫn chẳng nỡ ăn thịt đồng loại của mình
tôi ôm các em vào lòng
thủ thỉ bên tai những lời thân ái
để các em quen dần tiếng nói
của loài người
đã quên mất từ lâu
Tôi đã bị đẩy xuống tận đáy vực sâu
dù đường còn rất xa và rất nhiều khó nhọc
vẫn cố trèo lên miệng vực
dù bọn quỷ sứ muốn biến tôi thành súc vật
trái tim tôi vẫn ăm ắp tình người
vẫn quay quắt nhớ người yêu xa tít một phương trời
và vẫn niềm tin
ở một ngày mai.
Phạm Đức Nhì
Viết cuối năm 1982 ở Bệnh Xá Phân Trại B
Chú Thích:
1/ Tôi nằm ở Bệnh Xá B, khoảng hơn 30 bệnh nhân toàn là tù hình sự, chỉ có mình tôi "lạc loài".
2/ Một ngày Chủ Nhật, được nghỉ lao động, có 2 em tù hình sự đến "cà kê dê ngỗng" kể chuyện tôi nghe. Số là cả 2 em đều ghiền thuốc nặng, lúc đang cuốc đất, thấy tên công an võ trang đứng gần đấy vứt cái tàn thuốc mới hút xong, cùng xông tới giành nhau. Đứa bị dộng báng súng lên ngực, chiều tối về phòng mới ói máu; đứa bị chân giầy đạp lên mặt, máu răng, máu miệng bê bết "giữa trận tiền". Một em vừa cười vừa nói: "Biết là ăn đòn nhưng ghiền quá chịu không nổi, anh ơi!"
đói lòng moi mấy củ khoai
các anh đập nát xương bàn tay
mãi mãi mang thương tật
Một người khác lâu ngày thèm thịt
chụp vội con nhái bên đường
bỏ vào mồm nuốt chửng
báng súng AK các anh lao vào ngực, vào bụng
cho đến khi con nhái phòi ra
con nhái lúc vào màu xanh
lúc ra thành màu đỏ.
http://www.saimonthidan.com/?c=article&p=10920
Một độc giả tên Kh. Phạm đã gởi cho tôi một email như sau:
Bạn Phạm Đức Nhì thân mến,
“Bờ Vẫn Quá Xa” - bài thơ mang tính nhân bản và tình tự dân tộc có tác động thức tỉnh lòng trắc ẩn của những người phía bên kia. Nội dung mặc dầu cũng tố cáo những hành vi tàn bạo phi nhân của cai tù và hệ quả của chính sách hà khắc của nhà cầm quyền cộng sản đối với toàn dân, nhưng nó không biểu hiện sự căm hờn, thù nghịch mù quáng mà chỉ vạch trần mỗi góc cạnh của xã hội để thức tỉnh lương tri dân tộc.
Mấy câu thơ tôi đắc ý nhất là:
Báng súng AK
các anh lao vào ngực, vào bụng
cho đến khi con nhái phòi ra
con nhái lúc vào màu xanh
lúc ra thành màu đỏ.
Chữ “phòi” và chữ “xanh”, “đỏ” bạn dùng thật đắt, thật tuyệt vời! Nó diễn tả được sự ghê tởm đến dã man vô cùng tận của con người đối với con người, của con dân với người đồng chủng.
Hãy tưởng tượng ba tên cai tù vây quanh một nạn nhân thân tàn ma dại, báng AK liên tục dộng vào ngực, vào bụng một người chỉ vì bị bỏ đói mà ăn bậy một con nhái sống. Mắt trợn ngược, miệng ứa máu, “phòi” ra một con nhái sõng soài trong bụm máu. Thật ghê rợn, thật dã man.
Tôi nghĩ các bạn thơ của bạn từ quê nhà, đã từng là những chiến binh đối đầu trong mặt trận cũng phải ghê rợn, bẽn lẽn ngậm ngùi vì những hành vi phi nhân của những người đồng chí cùng chiến tuyến.
Đọc đoạn thơ này tôi bỗng nhớ đến hình ảnh tương tự của sự tàn bạo tôi được chứng kiến ở trại tù Nghệ Tĩnh. Hôm ấy tôi được cử đi thâu hoạch rau xanh cho ban (ban cán bộ cai tù). Tôi đang chặt cải bắp và xu hào bỏ vào gánh thì từ xa một anh tù hình sự trờ tới. Miệng liến thoắng, tay vơ vội chiếc cải bắp trên luống rồi ngoắt quay đi.
Bỗng đâu gần đó tên cán bộ quản giáo Hạnh xuất hiện, chặn đầu. Anh hình sự đứng chết trân như chuột trước miệng mèo. Tên cán bộ Hạnh quơ con dao phay to bản, cán sắt nặng, thẳng cánh phóng về phía trước. Phịch! Tôi ghê sợ nhắm mắt lại, khi mở ra thấy anh hình sự gục xuống, miệng ứa máu lắp bắp: “Lạy ông…” và con dao cán quay ngược nằm ngay trước mặt…
Anh hình sự rất may chưa chết, nhưng ắt hẳn lá phổi anh đã bầm giập. Anh ráng lết về hướng cũ, nơi đó có một tên lính dẫn giải từ từ tiến lại. Tên dẫn giải nói với tên cán bộ Hạnh: “Mẹ kiếp, sao mày đánh nó đau thế! Tao bảo nó đến xin ít rau về cải thiện…” Thế là huề! Sinh mạng con người được giới có quyền trân trọng như thế ấy!
Qua câu chuyện kể ta thấy “con nhái màu đỏ” của bạn không phải là hình ảnh cá biệt mà nó rất phổ biến trong các trại tù. Dường như những người cán bộ công an họ đã được đào luyện, nhồi nhét trong đầu về cách nhìn nhận và đối sử với đồng bào ruột thịt mình như vậy.
Họ có coi đồng bào họ là những con người? Ôi mẹ Việt Nam ơi! Chẳng lẽ đất nước này tồn tại và phát triển được đến ngày nay là dựa vào phong cách cư xử với nhau như vậy hay sao? Thật tôi không hiểu nổi!!!
Comments
Post a Comment